Trong hệ thống động cơ, máy phát điện là một bộ phận rất quan trọng, chịu trách nhiệm cung cấp điện cho quá trình vận hành xe. Để giúp các bạn hiểu rõ hơn về máy phát điện ô tô, dưới đây Toyota Pháp Vân sẽ thông tin chi tiết từ A -> Z về bộ phận này.
I. Máy phát điện ô tô là gì?
Máy phát điện ô tô là một thiết bị nằm trong khoang động cơ. Nhiệm vụ của máy phát điện là cung cấp điện năng phục vụ cho các hoạt động của xe như: điều hoà, còi xe, đèn xe…
Máy phát điện ô tô có 3 chức năng:
- Phát điện: Máy phát điện sẽ thực hiện chức năng phát điện dựa vào hiện tượng cảm ứng điện từ khi một nam châm quay trong một cuộn dây sẽ tạo ra điện áp.
- Chỉnh điện áp đầu ra: Dòng điện sẽ phụ thuộc vào tốc độ của động cơ. Chính vì vậy, máy phát điện phải điều chỉnh điện áp dòng điện ra sao cho phù hợp và ổn định để các thiết bị điện có thể dùng được.
- Chỉnh dòng điện xoay chiều thành một chiều: Thiết bị điện trên ô tô sử dụng dòng điện một chiều. Vì vậy, máy phát điện ô tô cần phải điều chỉnh dòng điện xoay chiều thành một chiều để các thiết bị này có thể hoạt động được.
II. Cấu tạo và nguyên lý làm việc máy phát điện ô tô
1. Cấu tạo của máy phát điện ô tô
Máy phát điện ô tô bao gồm 5 bộ phận:
- Rotor: Rotor được làm từ thép non, bao gồm 2 phần, bên trong là cuộn dây kích từ. Hai đầu cuộn dây kích từ nối với 2 vòng tiếp điện bằng đồng đặt ở trục rotor.
- Chổi than: Chổi than làm bằng Graphit có tác dụng chống ăn mòn, giảm điện trở và điện trở tiếp xúc.
- Stato: Được cấu thành bởi các lá thép ghép dạng ống, mặt trong có rãnh xếp những cuộn dây ứng điện.
- Bộ điều áp có nhiệm vụ duy trì sự ổn định của dòng điện.
- Bộ chỉnh lưu có vai trò chỉnh chuyển đổi dòng điện xoay thành dòng điện một chiều.
2. Nguyên lý hoạt động của máy phát điện ô tô
Máy phát điện sẽ tạo điện khi rotor quay. Các nam châm bao quanh rotor sẽ tạo thành từ trường. Từ trường này sẽ tạo ra điện áp và được stator lưu trữ, sau đó đến bộ điều chỉnh điện áp. Bộ điều chỉnh điện áp này sẽ xác định và điều chỉnh mức điện áp mà pin sẽ nhận được và chuyển nguồn điện sang các thiết bị điện trên ô tô.
III. Dấu hiệu nhận biết lỗi máy phát điện ô tô
Máy phát điện khi sử dụng cũng sẽ gặp những vấn đề nhất định. Nếu chúng ta phát hiện hỏng hóc sớm và sửa chữa thì sẽ không làm ảnh hưởng tới các bộ phận khác của xe.
Một số dấu hiệu nhận biết máy phát điện bị lỗi:
1. Xe ô tô khó nổ máy
Thực tế, chúng ta đều biết ô tô khó nổ thì nguyên nhân lớn là do bình ắc quy yếu hoặc hết bình. Vậy tại sao bình ắc quy lại yếu hoặc hết bình? Nguyên nhân thường gặp nhất đó là máy phát điện bị lỗi, không thể nạp điện cho bình ắc quy.
2. Xe ô tô có tiếng kêu lạ
Xe ô tô phát tiếng kêu lạ có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó có thể do dây đai hoặc dây puly máy phát bị hỏng. Dây đai hay dây puly hỏng khiến máy phát điện không được dẫn động tốt hoặc không hoạt động.
3. Đèn xe ô tô yếu
Đèn xe ô tô cũng là bộ phận sử dụng điện nên nếu máy phát điện bị lỗi thì các bạn sẽ thấy đèn xe ô tô ánh sáng yếu, bị mờ hoặc lúc sáng lúc không. Có thể là đèn xe bị hỏng mới gây những hiện tượng trên nên các bạn cần kiểm tra kỹ để xác định nguyên nhân.
4. Đèn báo ắc quy sáng
Khi xe ô tô nổ máy, nếu hệ thống đều hoạt động bình thường thì các đèn báo trên bảng taplo sẽ tắt. Nếu xe đang chạy mà bạn thấy đèn ắc quy báo sáng thì có thể do bình ắc quy bị yếu hoặc hệ thống sạc gặp vấn đề. Tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn thì là do máy phát điện bị lỗi.
IV. Nguyên nhân và cách sửa máy phát điện bị hỏng
Từ những dấu hiệu lỗi trên mà các chủ xe cần đưa xe tới gara ô tô để các kỹ thuật viên kiểm tra từng chi tiết, xác định nguyên nhân và có cách khắc phục.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến máy phát điện ô tô bị hỏng:
- IC máy phát điện bị hỏng: Khi chi tiết này bị hỏng thì máy phát điện cũng không hoạt động được -> bạn cần thay mới IC.
- Cuộn rotor bị ngắn mạch, bị đứt, bị chạm mát, keo cách điện lõi đồng bị chảy… làm từ thông giảm, điện áp nhỏ khiến cho dòng điện không thoát ra mạch ngoài.
- Chổi than bị lỗi: Chổi than có thể bị kênh, bị dính dầu, bị oxy hoá, lò xo co giãn không tốt…
- Cuộn stato bị đứt hoặc bị chạm mát.
Với những máy phát điện đã cũ, hư hỏng nặng thì khuyến cáo là các chủ xe nên thay máy phát điện ô tô mới để đảm bảo hiệu quả và an toàn. Giá của máy phát điện dao động khoảng 6.000.000 – 13.000.000đ.
V. Cách kiểm tra máy phát điện ô tô
Khi máy phát điện bị lỗi thì các kỹ thuật viên sẽ tiến hành kiểm tra để xác định nguyên nhân.
1. Kiểm tra máy phát điện
Các bạn hãy chuẩn bị đồng hồ đo điện đáp. Để kiểm tra tình trạng hoạt động của máy phát điện cần phải nổ máy xe ô tô đồng thời bật tất cả các thiết bị dùng điện trên xe. Sau đó, hãy đạp ga cho vòng tua máy khoảng 2.000 vòng/phút rồi quan sát điện áp trên đồng hồ. quan sát điện áp trên đồng hồ và so sánh sự thay đổi của điện áp trước và sau.
- Nếu điện áp đo được cao hơn điện áp lúc ô tô tắt máy (khoảng 13 – 14V) thì máy phát điện vẫn còn tốt.
- Nếu điện áp đo được nhỏ hơn điện áp lúc ô tô tắt máy thì máy phát điện đang gặp vấn đề. Cần kiểm tra kỹ hơn để có cách xử lý.
Khi động cơ đang quay ở tốc độ cao, nếu nghe thấy tiếng kêu lạ thì cũng là dấu hiệu cho thấy máy phát điện gặp trục trặc.
Ngoài ra các bạn cũng có thể thông qua radio để kiểm tra máy phát điện. Bạn hãy bật radio và nhấn ga mạnh, nếu thấy radio có tiếng rè thì nguyên nhân là do máy phát gây ra và bộ phận này đang bị lỗi.
2. Kiểm tra qua ắc quy
Ắc quy có quan hệ mật thiết với máy phát điện. Vì vậy, chúng ta có thể thông qua bộ phận này để xác định xem máy phát điện có hoạt động tốt hay không.
Sử dụng vôn kế để đo điện áp của bình ắc quy:
- Đo khi xe tắt máy: Nếu điện áp đo được bằng hoặc lớn hơn 12V thì ắc quy vẫn bình thường. Nếu điện áp nhỏ hơn 12V thì ắc quy bị yếu hoặc hỏng, cần sửa chữa hoặc thay mới.
- Đo khi xe nổ máy: Nếu điện áp đo được cao hơn điện áp lúc xe tắt máy (khoảng 13 – 14V) thì ắc quy vẫn hoạt động tốt. Nếu điện áp đo được nhỏ hơn điện áp lúc tắt máy thì ắc quy cần phải kiểm tra.
Trên đây là những thông tin về máy phát điện ô tô. Nếu các bạn cần tư vấn chi tiết hơn, hãy liên hệ với Toyota Pháp Vân để được hỗ trợ 24/7.
Xem thêm:
- Máy bơm nước làm mát ô tô là gì? Dấu hiệu nhận biết hỏng hóc bạn nhất định phải biết
- Hướng dẫn cách lùi xe vào chuồng dọc, HỌC LÀ ĐỖ
- Dấu hiệu nhận biết xe ô tô hết bình, nguyên nhân và cách câu bình
- Cảm biến tốc độ bánh xe là gì? Có công dụng gì?
- Hệ thống Cruise Control là gì? Có tác dụng gì? Có bị lỗi không?