Xe ô tô đề khó nổ hoặc đề nhiều lần mới nổ là hiện tượng thường gặp, nhất là vào mùa đông. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra hiện tượng này và chúng ta sẽ có cách xử lý tùy thuộc vào từng trường hợp. Nếu bạn cố tình coi nhẹ hiện tượng xe ô tô đề khó nổ sẽ dẫn tới những hư hỏng nặng có thể xảy ra đối với động cơ xe. Dưới đây, chúng tôi sẽ chỉ rõ cho các bạn biết được nguyên nhân và cách xử lý xe ô tô đề khó nổ.
Nguyên nhân xe ô tô đề khó nổ
Hiện tượng chúng ta thường gặp là xe không khởi động được hoặc là có khởi động được nhưng sau đó bị tắt. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới xe ô tô đề không nổ hoặc khó nổ. Trong bài viết này chúng tôi sẽ chia ra 3 nhóm nguyên nhân cụ thể cho các bạn nắm được rõ ràng hơn.
Nhóm nguyên nhân 1: Do thời tiết
Vào mùa đông rất nhiều người phàn nàn rằng họ không thể hoặc khó đề xe nổ. Họ cho rằng nguyên nhân là do thời tiết. Đúng là như vậy:
- Khi trời lạnh, nhiên liệu bốc hơi ít khiến cho quá trình đốt cháy nhiên liệu gặp khó khăn.
- Ắc quy làm việc kém hiệu quả trong điều kiện nhiệt độ thấp.
- Nhiệt độ thấp sẽ khiến cho dầu bị đông đặc, lọc dầu bị bịt kín cản trở truyền nhiên liệu vào buồng đốt. Lúc này bạn đề mãi thì xe cũng không thể khởi động được.
Nhóm nguyên nhân 2: Do hệ thống điện
Hệ thống điện của xe ô tô bao gồm rất nhiều bộ phận, nhiều chi tiết. Chỉ cần một trong số đó gặp vấn đề thì xe của bạn sẽ gặp phải hiện tượng đề khó nổ, không nổ.
a. Ắc quy xe bị yếu, hết điện hoặc hỏng
Ắc quy gặp vấn đề là là nguyên nhân phổ biến khiến xe không thể đề nổ được. Rất nhiều người quên tắt các thiết bị tiêu hao điện như đèn xe, màn hình hiển thị, loa…khi xuống xe dẫn tới ắc quy vẫn tiếp tục hoạt động. Như vậy thì khi chúng ta khởi động xe, ắc quy yếu sẽ không nổ được.
Bên cạnh đó, khi các đầu cực của bình ắc quy bị ăn mòn, điểm tiếp xúc kém thì cũng khiến xe đề không nổ.
b. Cần số để sai vị trí
Nếu bạn để cần số sai vị trí thì xe đề không thể nổ được. Đây là nguyên nhân mà rất nhiều người không để ý. Nếu đề xe không nổ thì bạn hãy kiểm tra cần số trước nhé.
c. Hệ thống đề bị hỏng hoặc lỗi
Trường hợp bạn đề xe mà không thể khởi động, lại nghe thấy tiếng lách tách phát ra thì chắc chắn là hệ thống đề bị lỗi. Củ đề lỗi cộng thêm với động cơ nguội thì xe không thể nổ được.
Củ đề bị lỗi là do chổi than củ đề bị mòn, các mối nối bị gỉ sét, rơ le bị hỏng..
d. Xe khó nổ do hệ thống chống trộm bị lỗi hoặc chìa khóa xe hỏng
Các dòng xe đời mới hiện đều được trang bị hệ thống chống trộm tự động. Nên nếu hệ thống này bị lỗi thì xe sẽ không khởi động được.
Ngoài ra, với những chiếc xe sử dụng chìa khóa thông minh (khởi động bằng nút bấm), nếu chìa khóa hết pin thì xe cũng không thể đề nổ máy được.
Nhóm nguyên nhân 3: Do vấn đề kỹ thuật
a. Xe đề không nổ do rơle hoặc bơm nhiên liệu hỏng
Khi rơle hoặc bơm nhiên liệu bị lỗi hoặc hỏng thì nhiên liệu sẽ không được hoặc không đủ cung cấp tới động dẫn tới tình trạng ô tô đề không nổ máy.
b. Xe hết nhiên liệu
Điều hiển nhiên nếu xe cạn kiệt nhiên liệu thì sẽ không thể nổ máy. Nếu tình trạng này lặp lại nhiều lần thì không chỉ xe không đề được mà các bộ phận bơm xăng, lọc xăng và nhất là động cơ sẽ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
c. Không có tia lửa điện
Nếu bugi hay bô bin đánh lửa bị lỗi thì sẽ không có tia lửa điện hoặc tia lửa điện rất yếu. Điều này sẽ khiến ô tô đề không nổ hoặc khó nổ.
d. Tắc kim phun nhiên liệu
Kim phun sau thời gian dài hoạt động sẽ bị bám bụi bẩn gây tắc nghẽn. Nhiên liệu bị gián đoạn do tắc kim phun nhiên liệu khiến động cơ không thể hoạt động.
Cách xử lý xe ô tô đề khó nổ
- Do thời tiết: Đề dài và nhiều hơn so với bình thường để làm nóng nhiên liệu. Và nếu có thể thì nên hạn chế để xe ô tô ngoài trời lạnh quá lâu.
- Do bình ắc quy: Kích điện cho bình ắc quy thông qua bộ kích điện hoặc thay bình ắc quy mới.
- Do cần số để sai vị trí: Người lái cần nắm rõ về các bước nổ máy. Với xe số sàn thì cần phải cà số và không đạp côn thì xe mới khởi động được. Với xe số tự động cần số phải để ở vị trí P. Với những xe khởi động bằng start/stop thì bạn cần phải đạp phanh xe để khởi động.
- Do hệ thống đề bị lỗi: Trong trường hợp này, bạn cần đưa xe đến các gara ô tô để nhân viên kỹ thuật tiến hành kiểm tra và có biện pháp xử lý.
- Do hệ thống chống trộm bị lỗi hoặc chìa khóa xe hỏng: Bạn cần thay chìa khóa mới hoặc đưa xe đến gara để kiểm tra và sửa chữa hệ thống chống trộm.
- Do rơ le hoặc bơm nhiên liệu: Đưa xe đến gara sửa chữa và hãy trang bị thêm đồng hồ áp suất nhiên liệu để tiện theo dõi lượng nhiên liệu động cơ.
- Do xe hết nhiên liệu: Nạp nhiên liệu cho xe
- Do bugi và bô bin đánh lửa: Kiểm tra bugi bằng cách tháo bugi và để bugi gần miếng kim loại rồi quay động cơ. Nếu thấy bugi phát ra tia lửa điện thì vẫn còn dùng được, ngược lại thì cần thay bugi mới.
- Do kim phun nhiên liệu: Thường xuyên vệ sinh kim phun nhiên liệu.
Một số lưu ý giúp bạn tránh được tình trạng xe ô tô khó nổ
Biết được nguyên nhân xe đề khó nổ và cách xử lý trong từng trường hợp cụ thể sẽ giúp chúng ta khắc phục nhanh chóng. Tuy nhiên, tốt nhất, hãy chú ý một số vấn đề sau để tránh được tình trạng xe khó nổ.
- Nhớ tắt toàn bộ các thiết bị điện sau khi sử dụng xe và sau khi ra khỏi xe.
- Kiểm tra và vệ sinh bugi định kỳ (sau mỗi 20.000km) và thay bugi sau mỗi 40.000 – 100.000km.
- Vệ sinh, bảo dưỡng xe định kỳ để kịp thời phát hiện những hỏng hóc của xe.
- Thay ắc quy ô tô định kỳ (sau mỗi 100.000 km).
- Kiểm tra bơm nhiên liệu, rơ le định kỳ.
- Kiểm tra và vệ sinh kim phun nhiên liệu định kỳ.
Trên đây là những thông tin về xe ô tô đề khó nổ chắc chắn sẽ giúp các bạn có cái nhìn tổng quan hơn và có cách xử lý nếu mình gặp phải. Nếu còn thắc mắc gì chưa được giải đáp, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được hỗ trợ nhanh nhất.
Chúc các bạn thượng lộ bình an!
Nguồn: https://toyotaphapvan.com/
Xem thêm:
- Chi tiết nguyên nhân và cách khắc phục áp suất dầu thấp
- Bật mí các cách xử lý điều hoà ô tô có mùi hôi HIỆU QUẢ và ĐƠN GIẢN nhất
- Tại sao điều hoà ô tô không mát, mát không sâu, chỉ có gió?
- Nguyên nhân và cách khắc phục: Lốc điều hoà ô tô kêu to
- Thông tin từ A->Z bộ trợ lực phanh ô tô và các lỗi thường gặp